Ghét?

Người ta ghét nhau thực sự chỉ vì những hiểu lầm? Hay đó chỉ là một lời bào chữa cho những mặt tối của chính ta?

Trên thực tế, đối với tôi thì, nó tuỳ.

.

Nếu ai biết tôi đủ sâu, họ sẽ nhận ra một điều khá độc về tôi – ý tôi ở đây là một điều ít giống ai : tôi không ghét người ta ngay từ lần gặp đầu tiên, nhưng tôi sẽ không mang ấn tượng tốt về 80% số người tôi gặp lần đầu.

Đây là trường hợp hiểu lầm để trả lời cho câu hỏi tôi đặt ra ở đầu bài viết.

Vì không biết nhau là ai, ta thường dùng những ấn tượng đầu tiên để phán xét mọi thứ. Ta nhìn nó theo cách của ta, với những mong muốn riêng của ta.

Nhiều người sẽ mang những góc nhìn sáng sủa hơn, tích cực hơn về người khác (mà theo tôi thì đa số mọi người đều cố gắng hướng mình đi theo cái kiểu này), nhiều người mang những góc nhìn trung lập – không thích không ghét không quan tâm (bạn tôi đa phần là thế), và cũng nhiều người mang những góc nhìn tiêu cực hơn (đây, tôi, ngồi đây).

Tạm gác lại đấy, vì câu chuyện này không được kể ra để bị phán xét là sai hay đúng.

.

Trong những trường hợp khác, thì tôi thấy “hiểu lầm” đôi khi là lời biện hộ.

Đúng, người ta có thể cãi nhau vì nhiều lí do. Và đôi khi người ta có thể fall out of love vì nhiều lí do. Trong đó bao gồm những hiểu lầm trong mối quan hệ, hay những khuôn mẫu và định kiến của chính chúng ta rằng đối phương phải là thế. Và nếu một trong hai đi ra khỏi cái vòng tròn đó thôi, mối quan hệ sẽ lâm vào giai đoạn trục trặc.

Nhưng cái sự ghét, hay thậm chí là tuyệt giao nó đâu đến một cách dễ dàng thế. Sự thật là ta đã lựa chọn cách ta hành động, đối phó với những hiểu lầm ấy. Và đã chọn thì phải ôm lấy kết quả.

Chọn làm người ta ghét mình, hay chọn ghét người ta. Dù thế nào đi chăng nữa thì cuộc sống luôn thay đổi theo cái sự lựa chọn của mỗi người trước tình huống.

Hiểu lầm là một chuyện, hành động trước hiểu lầm lại là một chuyện khác. Tựu chung lại là như thế. Và không phải chính những hành động và lựa chọn đó đôi khi mối là nguyên nhân khiến mối quan hệ tan vỡ sao?

Đừng đổ lỗi cho hiểu lầm, tội nó.

.

Hay nói theo một cách khác thì, “hiểu lầm” trở thành một huyền thoại, như nhà học giả mà chắc từ bây giờ tôi cứ lấy ra để viện dẫn trong mọi đề tài – Roland Barthes – nói, là thứ ngôn từ rỗng nghĩa.

Theo Roland Barthes viết trong “Mythologies” (“Những Huyền Thoại”) (1972), thì những huyền thoại là những giả định vô thức, không được tranh cãi và được thừa nhận một cách rộng rãi đến mức gốc gác về văn hóa và lịch sử của nó bị lãng quên.

Dễ hiểu hơn thì, người ta lấy những “hiểu lầm” ấy ra làm cái cớ cho những lựa chọn dẫn đến thực tại của mình, mà quên mất rằng chúng là cái gì, đến từ đâu, vì đâu mà xuất hiện trên cõi đời này. Chính cái cớ này, đôi khi, cũng làm ta chối bỏ đi những lỗi lầm của mình, cảm thấy nhẹ nhõm hơn, thấy đỡ sầu đời và chán nản hơn khi nghĩ về quá khứ.

Nó loại bỏ cảm xúc tiêu cực, hoặc đúng hơn là che lấp những cảm xúc tiêu cực và mặt tối của tâm hồn bằng những khái niệm và suy nghĩ tích cực – giả tạo và rỗng tuếch.

Theo ngôn từ của tôi, thì bạn đang chạy khỏi chúng, đang cố phủ nhận sự tồn tại của chúng nhằm đáp ứng đúng yêu cầu (?) của xã hội, chuẩn mực của đại chúng – làm một người tử tế và tích cực.

.

Trong một bài TED tôi rất thích, thì cô Susan David – một nhà tâm lý học, nhà diễn giả, tác giả người Nam Phi – có nói như thế này :

“Normal, natural emotions are now seen as good or bad. And being positive has become a new form of moral correctness. People with cancer are automatically told to just stay positive. Women, to stop being so angry. And the list goes on. It’s a tyranny. It’s a tyranny of positivity. And it’s cruel. Unkind. And ineffective. And we do it to ourselves, and we do it to others.”

Dịch sát nghĩa :

“Những cảm xúc bình thường và tự nhiên bây giờ lại bị đánh giá là tốt hay xấu. Và tích cực đã trở thành một hình thức mới của sự đúng đắn về đạo đức. Những người bị ung thư thì được khuyên rằng hãy tích cực lên. Phụ nữ, đừng suốt ngày cáu giận. Và danh sách cứ tiếp tục chảy dài. Đó là một chế độ chuyên chế. Đó là sự chuyên chế của sự tích cực. Và nó thật tàn nhẫn. Không cần thiết. Và không hiệu quả. Và chúng ta lại làm điều đó với chính mình, cả với những người khác.”

.

Vậy nên, tôi luôn thấy chả có vấn đề gì khi ghét ai cả. Bất kể đó là người lớn hay trẻ nhỏ, có quan hệ gì với bản thân mình, có quá khứ như thế nào, giữa chúng tôi đã có hiểu lầm gì. Tôi là một người khá điên – theo đúng cái nghĩa cả xấu cả tốt mà nó là. Tôi không để tâm cái gì gọi là kính già yêu trẻ (chắc vì thế mà bọn trẻ con hàng xóm nhìn mặt tôi là chạy biến). Tôi vứt sau đầu cái văn hoá làng xã Việt Nam. Tôi cũng chẳng quan tâm bạn là người thế nào trong cộng đồng.

Tôi ghét bạn thì tôi ghét thôi. Bạn ghét tôi thì bạn ghét thôi.

Chúng ta đều là nam/nữ chính trong câu chuyện của mình và đều là quân khốn nạn trong câu chuyện của một số người.

Đã bị tổn thương và khó thứ tha thì đừng viện cớ là do hiểu lầm.

Nhân văn hơn, đừng cố đè nén và chối bỏ những cảm xúc tiêu cực. Cứ đè chúng xuống, rồi đến lúc cái thùng chứa chúng sẽ vỡ vụn và nát bét. Mà cái thùng đó là bản thân ta chứ ai đâu.

Tích cực theo cách mà chẳng phải đè nén cái gì – đó mới là tích cực thật sự.

__________________

Viết xong bài này, chắc tôi phải thêm dòng chú thích ở đầu trang bằng mấy câu thơ của Zelda :

"em đừng đọc những gì tôi viết
tôi chỉ biết nỗi buồn và sợ hãi
còn em cần hạnh phúc và tình yêu"

Nói thật, không đùa =)))))))

Your J.

Leave a comment